Dạy học trực tuyến mùa dịch nCoV

Thứ bảy - 11/04/2020 01:54
Bài giảng về công nghệ ôtô phát trực tiếp trên Facebook của PGS Đỗ Văn Dũng được hơn 33.000 lượt xem, số lượng người xem cùng lúc đạt hơn 1.000.
Dạy học trực tuyến mùa dịch nCoV

PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, dành hơn hai tiếng sáng 10/2 giảng bài về hệ thống điều khiển động cơ đốt trong, các khái niệm cơ bản về điện - điện tử ôtô. Hình ảnh trực quan, biểu đồ được ông phát trên màn hình, một số nội dung ông ghi trên bảng. Video bài giảng được quay tại trường, phát trên nhiều kênh Facebook và Youtube. Với hơn 250 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận, đa số khen bài giảng hay, lôi cuốn.

 
PGS Đỗ Văn Dũng thực hiện bài giảng được trình chiếu trên Facebook. Ảnh: Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM

PGS Đỗ Văn Dũng thực hiện bài giảng được trình chiếu trên Facebook. Ảnh: Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM

Sức hút đến từ lời "quảng cáo" trên Facebook cá nhân của ông Dũng sáng qua: "Ngày mai 10/2, sinh viên ngành ôtô của các trường đại học trong cả nước có thể theo dõi bài giảng của thầy phát trên UTE-TV và UTEX. Thầy sẽ ôn lại khái niệm cơ bản để các em có thể đọc tài liệu về hệ thống điều khiển trên ôtô". Theo thầy Dũng, đây vừa là nội dung trong chương trình học của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô, vừa là thử nghiệm với tất cả sinh viên quan tâm.

"Facebook là kênh dạy học rất tuyệt vời, tiếp cận với đông đảo mọi người ở khắp nơi", ông nói sau buổi giảng và cho rằng đây là hướng đi tốt cho nhà trường. Mỗi giảng viên có thể thành lập các "kênh" Facebook riêng để tự giảng bài trực tuyến trên đó cho sinh viên. Với hầu hết người học có Facebook và một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính cá nhân, việc học mọi lúc mọi nơi trở nên đơn giản. Nhược điểm của hình thức này là giảng viên khó đặt các vấn đề cho người học để cùng trao đổi, thảo luận.

Phát, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô, chia sẻ đây là lần đầu xem hết một bài giảng trên mạng. Trừ một vài lần bài giảng bị gián đoạn bởi lỗi kỹ thuật hoặc mạng yếu, còn lại bài giảng khá hấp dẫn. Phát vừa đeo tai nghe trên máy tính, vừa lấy vở ghi chép kiến thức cần nhớ. Đoạn nào nghe chưa hiểu, nam sinh tua để nghe lại. "Cách học này rất thú vị, rất phù hợp trong điều kiện nghỉ kéo dài để phòng dịch như thế này", Phát nói. 

Theo yêu cầu của Ban giám hiệu, hầu hết giảng viên cơ hữu Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã dạy các môn học lý thuyết trên hệ thống LMS (Learning Management System). Phòng dạy học số, phòng truyền thông của trường bố trí người hỗ trợ giảng viên thực hiện bài giảng theo yêu cầu. "Giảng viên không thực hiện dạy online sẽ bị cắt lao động tiên tiến", PGS Dũng cho hay.

Theo Hiệu trưởng Dũng, việc thực hiện các phương thức dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch nCoV được xem là phép thử cho cách học mới. Nếu đầu tư thỏa đáng về công nghệ, phần mềm, giảng viên có thể sở hữu một "lớp học" đầy đủ tiện nghi, có thể kiểm tra, tương tác với người học. Từ đây, giảng viên có thể dạy lý thuyết online, thời gian lên lớp hướng dẫn sinh viên thực hành hoặc giao cho họ làm dự án.

Tương tự Đại học Sư phạm Kỹ thuật, nhiều trường khác tại TP HCM đã triển khai các bài giảng trực tuyến cho sinh viên. Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) quyết định chuyển sang hình thức học online các lớp học bù bắt đầu từ hôm nay.

Nhiều trường khác như Đại học Hồng Bàng, Văn Lang... khuyến khích giảng viên đưa bài giảng, bài tập lên hệ thống trực tuyến cho sinh viên. Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đưa hình thức học trực tuyến (E-learning) một số học phần của các môn học. Ở mỗi môn học, sinh viên tham gia vào bốn hoạt động: học với tài liệu, thảo luận, luyện tập, làm các bài kiểm tra và thi kết thúc học phần. 

Với 26 năm nghiên cứu và triển khai đào tạo trực tuyến, Đại học Mở Hà Nội không mấy khó khăn trong việc dạy học online trong hai tuần nghỉ phòng dịch nCoV. Trường triển khai những lớp học Vclass với hệ thống công nghệ đủ mạnh, cho phép số lượng lớn truy cập hệ thống học liệu điện tử cùng lúc, có khả năng "streaming video" để giảng viên và người học có thể tương tác trực tuyến. 

TS Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin ba trường quay tại khu công nghệ cao của trường phải hoạt động hết công suất, tận dụng cả ngoài giờ hành chính để hỗ trợ giảng viên lên lớp trực tuyến và ghi hình phát lại trên hệ thống. Giảng viên cũng được hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện dạy học tại nhà. Sinh viên có thể tương tác với giảng viên qua các lớp học Vclass do giảng viên mở.

Đến trưa 10/2, hơn 1.300 giảng viên của Đại học Mở Hà Nội đã mở Vclass với hơn 2.400 nội dung học tập, hơn 10.600 trong tổng số hơn 11.000 sinh viên hệ chính quy tham gia. Tỷ lệ sinh đạt trên 95%. 

Phó hiệu trưởng Long cho biết, quá trình học tập của sinh viên được hệ thống tự động ghi nhận. Cố vấn học tập từng lớp cũng thường xuyên liên lạc trực tiếp, đôn đốc sinh viên vào học nên tiến độ học tập vẫn được đảm bảo. Việc học bù chỉ diễn ra với một số lớp, môn chưa thực hiện được việc học trực tuyến.

Hiện, Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng theo chuẩn quốc tế nội dung học liệu điện tử cho gần 10 ngành đào tạo. Các ngành còn lại, lượng học liệu được xây dựng với khoảng 55%. Trường còn thực hiện các video hướng dẫn quy trình, biện pháp phòng chống nCoV, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, cổng học liệu điện tử và trang mạng xã hội để người học và cộng đồng cùng tiếp cận.

 
Sinh viên Đại học Mở Hà Nội được yêu cầu học trực tuyến tại nhà trong thời gian nghỉ. Ảnh: Ngọc Anh

Sinh viên Đại học Mở Hà Nội được yêu cầu học trực tuyến tại nhà trong thời gian nghỉ. Ảnh: Ngọc Anh

Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) trong hai tuần nghỉ tránh dịch nCoV được trường khuyến khích truy cập hệ thống học liệu điện tử để nghiên cứu, đảm bảo tiến độ và kế hoạch học tập cá nhân. Những công cụ được sử dụng là Office 365, đề cương, giáo trình và slides bài giảng của giáo viên.

Đại học này đã tập huấn cho hơn 800 giảng viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm LMS để đảm bảo kế hoạch giảng dạy và học tập theo phương pháp mới - Blended Learning.

Ngoài Đại học Mở Hà Nội hay Kinh tế quốc dân, nhiều trường cũng tổ chức cho sinh viên học trực tuyến trong thời gian nghỉ theo hướng dẫn của giảng viên để tránh nỗi lo nghỉ dài hạn và đảm bảo tiến độ học tập như Đại học Thành Đô (Hà Nội), Đại học Đà Nẵng. Một số trường yêu cầu sinh viên chủ động tra cứu, đọc tài liệu online trên nền tảng số của trường như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp do nCoV diễn biến phức tạp, hàng chục trường đại học cho sinh viên nghỉ tới ngày 16/2. Tính cả thời gian nghỉ Tết, nhiều sinh viên đã không phải đến trường khoảng một tháng. Thậm chí, Đại học Thái Nguyên cho học sinh nghỉ tới 1/3, Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nghỉ tới 9/3.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TRAI
PHAI
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây